Bé gái nhà tôi thuận tay trái, nhưng tìm hiểu thì thầy cô nào cũng bảo đi học phải viết tay phải.

Nguyên nhân ở tủy sống - không phải não

Kể từ những năm 1980, các nhà khoa học đã nhận thấy việc chúng ta thuận tay trái hay tay phải có nhiều khả năng đã được xác định trước khi chúng ta sinh ra - theo như siêu âm chỉ ra thì nó xuất hiện lúc thai kì chỉ mới được 8 tuần tuổi. Từ tuần thứ 13, thai nhi đã có khuynh hướng mút ngón tay phải hoặc tay trái trong tử cung.

Trước đây người ta nghĩ rằng sự khác biệt di truyền giữa bán cầu não trái và phải xác định việc thuận tay trái hay tay phải của con người. Nhưng một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái trên tạp chí eLife cho thấy câu trả lời lại nằm trong tủy sống.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Sebastian Ocklenburg, Judith Schmitz, và Onur Gunturkun ở trường Đại học Ruhr Bochum cùng với các đồng nghiệp khác ở Hà Lan và Nam Phi. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra những hoạt động gene bất đối xứng của tủy sống trong tử cung có thể là nguyên nhân khiến người ta thuận tay trái hay tay phải.

Chỉ có 10% nhân loại thuận tay trái. (Ảnh: iStock).

Chuyển động cánh tay và bàn tay bắt đầu trong não tại một khu vực được gọi là vỏ não vận động, nó sẽ gửi một tín hiệu đến tủy sống và sau đó tín hiệu được chuyển thành cử động.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi bào thai phát triển trong bụng mẹ đến khoảng tuần thứ 15 thì vỏ não vận động và tủy sống vẫn chưa có sự kết nối, nhưng việc bào thai thuận tay phải hay tay trái thì đã được xác định.

Nói cách khác, thai nhi đã có thể chuyển động và chọn một bàn tay yêu thích trước khi não bắt đầu kiểm soát cơ thể.

Để nghiên cứu điều này, các nhà khoa học đã phân tích biểu hiện gene trong tủy sống từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Họ tìm thấy sự khác biệt đáng kể trong phần trái và phải của tủy sống có chức năng kiểm soát chuyển động của cánh tay và chân.

Các nhà khoa học kết luận rằng, tính chất không đối xứng của tủy sống có thể dẫn đến một hiện tượng gọi là di truyền học biểu sinh, hay còn gọi là hiện tượng những sinh vật bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong biểu hiện gene chứ không phải bởi các gene của chúng.

Những thay đổi này thường đến từ ảnh hưởng của môi trường và có thể ảnh hưởng đến cách thai nhi phát triển. Những khác biệt trong các biểu hiện gen này có ảnh hưởng khác nhau đến phần bên phải và bên trái của tủy sống, dẫn đến việc thuận tay trái hay tay phải.

Vậy tại sao những người thuận tay trái lại rất hiếm?

Từ lâu, các nhà khoa học đã cố gắng lý giải điều này.

Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern đã phát triển một mô hình toán học để cho thấy tỷ lệ phần trăm người thuận tay trái là kết quả của quá trình tiến hóa của con người - cụ thể là sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh.

Nói cách khác, họ nghĩ rằng, mặc dù nền tảng của việc thuận tay trái hay tay phải liên quan đến di truyền, nhưng có một yếu tố xã hội giải thích sự chênh lệch tỉ lệ giữa người thuận tay trái và tay phải.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng tay trái để ký.

Daniel Abrams, trợ lý giáo sư tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng McCormick và là người đã giúp phát triển mô hình này, phát biểu: “Trong xã hội nơi mà sự hợp tác được đánh giá cao, nếu động vật mang tính xã hội càng lớn thì dân số càng có khuynh hướng hướng về một phía. Yếu tố quan trọng nhất để tạo ra một xã hội hiệu quả là mức độ hợp tác cao. Điều này dẫn đến việc đa số con người thuận tay phải".

Nói cách khác, vì một lý do nào đó, tiến hóa đã ưu tiên cho việc thuận tay phải, vì vậy bất cứ ai đi chệch khỏi thiên hướng này, vẫn có thể sử dụng tay phải mặc dù khuynh hướng di truyền của họ không phải vậy.

Judith Schmitz, một trong những tác giả của nghiên cứu mới, đã phát biểu trên báo chí rằng những nghiên cứu về các cặp sinh đôi cho thấy tỉ lệ di truyền học ảnh hưởng đến việc thuận tay là khoảng 25%.

Nghiên cứu mới không thể giải thích tại sao hầu hết nhân loại đều thuận tay phải, nhưng những nghiên cứu về chim cho thấy di truyền và môi trường có thể là nguyên nhân, theo Judith Schmitz

"Ở gà và chim bồ câu, yếu tố di truyền xác định vị trí của trứng trước khi nở - phôi của chúng được cuộn tròn sao cho mắt phải hướng vào phần sáng mờ của vỏ trứng còn mắt trái thì được cơ thể của phôi thai bao bọc", bà nói.

Mắt phải của bồ câu tốt hơn mắt trái. (Ảnh: Skvty)

“Vì vậy, mắt phải được kích thích bởi ánh sáng trước khi nở, trong khi mắt trái gần như không được tiếp xúc với ánh sáng. Sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường (ánh sáng) gây ra sự bất đối xứng thị giác. Mắt phải của chim bồ câu và gà phân biệt, phân loại và ghi nhớ các mô hình tốt hơn mắt trái của chúng. Nếu trứng gà hoặc trứng chim bồ câu được ấp trong bóng tối, sự phát triển của hiện tượng bất đối xứng này sẽ không xảy ra".

Lý do khiến con người thuận tay trái vẫn còn một chút bí ẩn - một phần vì những nghiên cứu khoa học thường bỏ qua những người thuận tay trái, và thật khó để dự đoán liệu một đứa trẻ sẽ thuận tay trái hay tay phải trước khi chúng sinh ra.

Nhưng chúng ta biết một điều rằng, sự khác biệt thần kinh giữa những người thuận tay trái và tay phải là rất nhỏ, và chúng dường như không có ảnh hưởng gì đến hành vi của họ.

Trẻ gặp nhiều khó khăn khi viết bằng tay trái

Mới đây một người dùng Facebook chia sẻ câu chuyện bức xúc trên cộng đồng mạng với nội dung: Cháu ruột của chủ tài khoản này là một bé thuận tay trái, dù đã cố tập viết bằng tay phải nhưng do viết nhiều mỏi quá, bé chuyển sang viết bằng tay trái và đã bị cô giáo chủ nhiệm phản đối gay gắt. Không những thế, cô giáo còn viết thư gửi cho cha mẹ cháu với nội dung: “Phụ huynh để ý cháu hay viết bằng tay trái”.

Ngay sau khi được đăng tải, trang Facebook này đã gây nên bức xúc trong cộng đồng mạng với hơn 8.000 lượt bày tỏ cảm xúc, 1.300 lượt bình luận. Nhiều người bày tỏ quan điểm nên cho trẻ thuận theo tự nhiên, không nên ép trẻ viết bằng tay phải… Sự việc đặt ra câu hỏi có nên ép trẻ viết tay phải hay không, nếu ép trẻ sẽ có những tác động thế nào tới sự phát triển của trẻ?

Chia sẻ về những băn khoăn này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Theo quan sát của tôi, tại Việt Nam, số trẻ thuận tay trái khá nhiều, thậm chí chiếm đến 30 - 40%. Tôi cũng là người thuận tay trái nên cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Với những em nhỏ trong giai đoạn vào lớp 1, các em phải luyện rất nhiều kỹ năng. Và mức độ thuận tay trái của các em rất khác nhau, với mỗi em mức độ khó khăn cũng khác nhau. Có em khi cầm bút bằng tay phải, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy cái dáng cầm bút đã không chuẩn, nhưng khi chuyển sang tay phải thì chuẩn ngay lập tức. Trong khi đó, đối với một số em viết tay nào cũng được. Với mỗi trẻ có sự khác biệt. Tuy nhiên, với trẻ thuận tay trái tương tác trong môi trường hầu hết các em đều thuận tay phải gặp phải vô vàn khó khăn.

Có nên ép trẻ viết bằng tay phải?

Theo TS Vũ Thu Hương, thuận tay trái hay tay phải là do tự nhiên của mỗi người. Có nhiều người làm mọi việc bằng tay trái rất thuận, rất thành thạo. Nhưng dù sao khi viết thì chúng ta nên luyện cho con viết bằng tay phải. Chúng ta không ép con mà là khuyến khích con viết bằng tay phải để không gây khó khăn cho con khi ngồi viết cùng các bạn. Cha mẹ khuyến khích con có thể viết 10 dòng, thì 8 dòng tay phải, 2 dòng tay trái.

“Trong chương trình GD phổ thông của chúng ta chưa có phương pháp dạy học sinh cách viết chữ bằng tay trái. Tôi quan sát rất nhiều người viết bằng tay trái, họ rất lúng túng. Khi con đặt bút viết bằng tay phải, mắt con nhìn được chữ dễ dàng, không bị tay che khuất, dễ đọc những gì mình viết, dễ chỉnh sửa con chữ hơn, không lem mực… Nếu viết tay trái, nhiều khi tay con sẽ đè lên chữ, rồi lem mực nữa…Tôi đồng cảm với các GV khi trong lớp có bạn viết bằng tay trái sẽ gây rất khó khăn cho giáo viên” - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Khi được hỏi có nên dùng biện pháp cưỡng chế để trẻ viết bằng tay phải hay không? TS Vũ Thu Hương cho rằng, bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào cũng đều không tốt, nếu ép trẻ sẽ gây nên những phản ứng tiêu cực. Trẻ em rất dễ bị thuyết phục. Giáo dục là động viên và khích lệ. Do vậy để cho đứa trẻ hòa nhập có một biện pháp là khuyến khích.

Điều quan trọng là ứng xử và hỗ trợ trẻ

Thực tế, chúng ta thấy giáo dục không cấm trẻ viết bằng tay trái hay tay phải, chúng ta chỉ quan tâm đến kết quả như thế nào. Điều đó các nhà nghiên cứu giáo dục không thích lắm; các nhà giáo dục muốn quan tâm đến quá trình học hỏi nhiều hơn.

Bên cạnh đó, tâm lý giáo dục khi dạy trong trường sư phạm không trang bị cho SV xử lý phương pháp như thế nào với trẻ thuận tay trái hay tay phải. Đứng trước một lớp học 50 - 60 trẻ, hơn nữa thời lượng 35 phút trong một tiết học, nếu có một trẻ gặp vấn đề nào đó, cô giáo mất khoảng 5 phút thì sẽ gây khó khăn trong vấn đề truyền tải thông tin. Vì thế, việc giáo viên có những ức chế khi trẻ viết tay trái cũng có thể thông cảm.

Để chuẩn bị kỹ năng và tâm lý cho trẻ vào lớp 1, TS Vũ Thu Hương khuyên, bố mẹ có thể khám phá con ngay qua 6 năm mầm non, biết con thuận tay trái hay tay phải để bố mẹ có phương án giúp đỡ con nhẹ nhàng nhất. Với trẻ thuận cả 2 tay, chúng ta nên gợi ý cho con chuyển sang tay phải để hòa đồng trong mọi tình huống.

Nếu trẻ không thể viết được tay phải thì phụ huynh nên nói chuyện với cô giáo, xin cô cho cháu ngồi đầu bàn bên tay trái để không ảnh hưởng đến các bạn khác. Nếu chúng ta than phiền khiến GV sẽ ức chế, họ không tìm ra cách giải quyết được. Điều quan trọng là việc chúng ta ứng xử với trẻ và cách hỗ trợ trẻ trong cuộc sống như thế nào.

Hiện nay thuận tay trái hay tay phải cũng là điều rất tự nhiên trong cuộc sống. Chúng ta nên tôn trọng trẻ để có sự phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý. Nếu có sự khó khăn, chúng ta tìm đến sự hỗ trợ của GV để các em không bị sang chấn tâm lý khi bước vào năm học mới.